NGƯỜI NỮ ANH HÙNG MANG TUỔI NGỌ
(Ngày đăng: 10/02/2014 - Lượt xem: 12347)




















Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, vai trò của phụ nữ không hề thua kém đối với nam giới mà còn có những nét riêng biệt rất đáng được trân trọng, ca ngợi. Đó là tấm gương lẫm liệt, anh hùng của Trưng Trắc, Trưng Nhị trong những năm đầu Công nguyên chống quân Tô Định và Triệu Thị Trinh ở thế kỷ thứ III chống giặc Đông Ngô.

Triệu Thị Trinh còn có những tên gọi khác như Bà Triệu, Triệu Trinh Nương là vị nữ anh hùng nổi tiếng của dân tộc được sử sách đề cao. Theo dã sử, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại một làng thuộc vùng núi Quan Yên (núi Nưa), quận Cửu Chân nay là huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Dưới sự thống trị tàn ác, hà khắc của giặc Ngô xâm lược, đời sống của dân tộc ta vô cùng cực khổ. Theo dân gian kể lại, ngay từ khi còn nhỏ tuổi, cô gái Triệu Thị Trinh đã sớm có ý thức căm thù trước những cảnh đàn áp, bóc lột của bọn thống trị phương Bắc và nuôi chí lớn “thay trời hành đạo” đánh đuổi quân giặc ra khỏi đất nước. Năm 19 tuổi, bà cùng người anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng trong vùng đã tập hợp nghĩa quân, lập căn cứ Phú Điền (Hậu Lộc – Thanh Hoá) để đánh giặc. Triệu Thị Trinh không khép mình nơi phòng khuê nhi nữ, không nghĩ tới chuyện chồng con mà chỉ say mê luyện tập võ nghệ, cung kiếm, cưỡi ngựa, bầy trận. Vốn là người có sức khoẻ, giỏi võ thuật lại gan dạ, mưu trí, bà đã trở thành một vị tướng trẻ tuổi đầy tài năng được nghĩa quân mến mộ, khâm phục, tin tưởng. Bà đã từng khảng khái bầy tỏ ý chí, nguyện vọng cao cả của mình trong một câu nói nổi tiếng được người đời và lịch sử lưu lại: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, há lại khom lưng, cúi đầu làm tì thiếp cho người ta”

Năm Mậu Thìn (248), Triệu Thị Trinh phất cờ khởi nghĩa với sức mạnh như chẻ tre khiến giặc Ngô bạt vía kinh hồn. Nghĩa quân từ vùng núi Nưa đã tiến đánh Cửu Chân rồi toàn quận Giao chỉ. Các thành ấp của quân Ngô đều bị đánh phá tan tành. Bọn quan cai trị kẻ bị giết, kẻ chạy trốn, quân tướng tan tác thảm bại. Thứ sử Giao Châu hoảng sợ bỏ chạy mất tích. Chính sử sách nhà Ngô phải thú nhận: “Toàn thể Châu Giao chấn động”. /font>

Trong khí thế mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa, bên cạnh những người nghĩa binh chiến đấu dũng cảm, hình ảnh người nữ tướng Triệu Thị Trinh xung trận thật oai phong lẫm liệt. Bà tướng trẻ với áo giáp đồng, chân đi giày mũi cong, tóc cài trâm vàng, ngồi đầu voi chiến trong tiếng quân reo, ngựa hí, tiếng trống trận vang lừng khiến quân Ngô khiếp đảm, tan tác. Chính quân tướng chúng đã phải thốt lên: “Hoành qua đương hổ dị/ Đối diện Bà vương nan” (Vung giáo chống hổ dễ, giáp mặt vua bà khó).

Ảnh minh họa

Hay tin về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu ở Cửu Chân và việc thứ sử Châu Giao mất tích, vua Ngô hốt hoảng phái ngay Lục Dận, một viên tướng từng kinh qua trận mạc, lại rất quỉ quyệt sang làm thứ sử cùng 8000 quân tinh nhuệ đàn áp cuộc khởi nghĩa. Với thủ đoạn vừa đánh mạnh vừa dùng tiền bạc, của cải, chức tước để dụ dỗ, mua chuộc các thủ lĩnh người Việt, quân giặc đã phân hoá, chia rẽ được lực lượng khởi nghĩa, làm suy yếu nghĩa quân. Mặc dù vậy, nữ tướng Triệu Thị Trinh vẫn kiên cường chiến đấu, đánh giặc không hề nao núng. Sau 6 tháng chống chọi quyết liệt với quân địch, phần vì lương thảo hết, phần vì có kẻ phản bội, bà đã hy sinh anh dũng trên núi Tùng thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá vào ngày 21 tháng 2 năm Mậu Thìn (248). Bấy giờ bà mới 23 tuổi.

Tuy việc lớn không thành, nguyện ước “giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ” của Triệu Thị trinh chưa thực hiện được nhưng tấm gương liệt nữ của bà vẫn sáng mãi, sống mãi tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên trinh của người phụ nữ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Trần Cự

Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 49 + 50 (tháng 1+2/2014)